Giới thiệu cú pháp hàm LET
Hàm LET trong Google Sheets là công cụ mạnh mẽ để đơn giản hóa công thức, tăng tính hiệu quả và dễ đọc. Hàm LET cho phép bạn gán phạm vi, gán giá trị hoặc công thức vào các biến, sau đó sử dụng các biến này trong công thức chính.
Cú pháp:
= LET(Tên 1; Giá trị hoặc công thức gán cho biến 1;
Tên 2; Giá trị hoặc công thức gán cho biến 2;
Tên …;Giá trị hoặc công thức gán cho biến…;
Phép tính hoặc kết quả sử dụng các biến được định nghĩa)
Lợi ích của hàm LET
- Tăng tốc độ xử lý: Tối ưu hiệu suất vì giá trị được tính một lần.
- Dễ đọc, dễ bảo trì: Công thức rõ ràng và tổ chức tốt hơn.
- Giảm thiểu lặp lại: Định nghĩa giá trị một lần và tái sử dụng.
Ví dụ:
=INDEX(LET(nam;C2:C;nu;D2:D;
tong;nam+nu;
tyle_nam;nam/tong;
tyle_nu;nu/tong;
IF(B2:B=””;;HSTACK(tong;tyle_nam;tyle_nu))))
Những lưu ý khi sử dụng hàm LET
- Hàm LET xử lý các biến theo thứ tự từ trái sang phải. Biến được định nghĩa trước có thể được sử dụng bởi các biến được định nghĩa sau đó.
- Bạn có thể định nghĩa tối đa 126 biến trong một công thức LET. Điều này phù hợp với các công thức phức tạp, nhưng cần lưu ý rằng càng nhiều biến thì công thức càng khó bảo trì.
- Sau khi kết thúc gán 1 biến, bạn nên xuống dòng trong công thức bằng tổ hợp phím Ctrl + Enter để dễ nhìn, dễ bảo trì công thức.
- Các biến được gán trong LET chỉ tồn tại trong công thức đó. Sau khi công thức chạy xong, các biến sẽ không được lưu trữ. Nghĩa là bạn muốn tính toán theo các biến của LET thì phải nằm trong hàm LET, nếu bạn đặt bên ngoài, nó sẽ không tính toán. Ví dụ: =INDEX(HSTACK(LET(nam;C2:C;nu;D2:D;nam+nu);nam/(nam+nu))), trong tình huống này đoạn hàm nam/(nam+nu)sẽ bị lỗi #NAME? do nằm ngoài LET.
- Tên biến chỉ nên chứa các chữ cái, số và dấu gạch dưới (_). Đặt tên biến nên ngắn gọn nhưng phản ánh đúng nội dung hoặc chức năng để dễ đọc và bảo trì. Nếu giá trị hoặc công thức chỉ dùng một lần, không cần đặt tên biến để tránh làm phức tạp công thức.
- Tên biến không được trùng với hàm có sẵn của Google Sheets, ví dụ bạn không thể đặt =LET(SUM;B2:B10;….), bạn có thể dùng =LET(tong;B2:B10;….)
- Tên biến phải là duy nhất trong công thức, tức là bạn không được lặp lại cùng một tên biến trong cùng một hàm LET.
❌ Sai =LET(x, A1, x, A2, x*2)
✅ Đúng =LET(x, A1, y, A2, x*y)
- Tên biến không là số (trùng với dòng), là chữ viết HOA (trùng với cột). Ví dụ bạn không đặt = LET(D, C2:C10,…) mà nên dùng = LET(d, C2:C10,…) hoặc vẫn muốn dùng D thì là = LET(_D, C2:C10,…) tức là thêm 1 ký tự đặc biệt ngay cạnh.
- Tên biến không sử dụng khoảng trắng (dấu cách). Ví dụ đặt sai =LET(tong cộng;B2:B10;….), sửa lại là =LET(tong_cong;B2:B10;….)
- Sử dụng LET khi công thức phức tạp hoặc lặp lại nhiều lần, nghĩa là bạn không nên lạm dụng hàm LET trong thực tiễn.
Không nên dùng LET trong trường hợp nào?
- Công thức đơn giản: Nếu công thức chỉ có một phép tính ngắn, sử dụng LET có thể làm phức tạp không cần thiết.
- Quá nhiều biến: Dùng quá nhiều biến làm mất đi tính dễ đọc mà LET hướng đến.
- Lạm dụng LET khi “bắt nó nhớ tạm các dữ liệu quá lớn”. Ví dụ như bạn kết hợp LET và IMPORTRANGE, dạng như =LET(imp;IMPORTRANGE(A1;A2);……). Trong trường hợp dữ liệu IMPORTRANGE nhiều, tôi khuyên bạn nên để dữ liệu IMPORTRANGE ra 1 sheet riêng biệt, rồi tính toán theo sheet đó, thay vì lồng IMPORTRANGE vào hàm LET, nó sẽ làm giảm tốc độ tính toán.
Thực hành hàm LET
Bài viết của TS. Trần Quốc Hoàn, vui lòng trích dẫn nguồn nếu bạn tham khảo.